Bức xạ là một công cụ hiệu quả để khử trùng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) hiện đang có nhu cầu cao trong đại dịch COVID-19, ngoại trừ mặt nạ hô hấp vì nó làm suy yếu bộ lọc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết.
Trong khi bức xạ không được khuyến cáo để khử trùng một số loại mặt nạ đã qua sử dụng cho nhân viên bệnh viện, IAEA khuyến khích các quốc gia thành viên tiếp tục chiếu xạ các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) khác để khử trùng trước khi sử dụng, bao gồm cả mặt nạ phẫu thuật và găng tay.
Theo yêu cầu từ một số quốc gia, IAEA đã đánh giá các kết quả từ 5 tổ chức đã thử nghiệm sử dụng bức xạ ion hóa - tia gamma và chùm electron - để khử trùng mặt nạ hô hấp đã qua sử dụng, như các mẫu N95 và FFP2 thường được nhân viên y tế đeo. Khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên, tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ cho nhân viên ở tuyến đầu của đại dịch tiếp tục đặt ra vấn đề ở nhiều quốc gia.
Celina Horak, Chuyên gia xử lý bức xạ tại IAEA cho biết: “Nhiều chính phủ đang tìm cách mở rộng sự sẵn có của PPE bằng cách khử trùng chúng bằng hóa chất, tia UV hoặc bức xạ. Mặt nạ được đặc biệt quan tâm, vì chúng không thể thiếu đối với nhân viên bệnh viện nhưng cũng được sử dụng trong dân chúng để bảo vệ khi đi mua sắm hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng”.
Mặt nạ hô hấp rất quan trọng đối với nhân viên y tế, vì chứa các bộ lọc ngăn các hạt nhỏ và các giọt bắn bên ngoài. Chúng bao gồm mặt nạ N95 và FFP2, giúp lọc ra ít nhất 95% các hạt trong không khí bên ngoài. Chúng khác với mặt nạ phẫu thuật, phần lớn chỉ bảo vệ người khác khỏi khí thở hô hấp của chính người đeo.
Các thử nghiệm được thực hiện bởi các viện nghiên cứu ở Pháp, Israel, Hàn Quốc, Ba Lan và Hoa Kỳ cho thấy mức độ phóng xạ cần thiết để khử trùng mặt nạ hô hấp làm giảm hiệu suất lọc.
Byungnam Kim, Trưởng phòng cơ sở chiếu xạ tại Viện công nghệ bức xạ tiên tiến, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hà Quốc, nơi thực hiện các thử nghiệm sử dụng chùm electron cho biết, mặt nạ cho thấy không có thay đổi đáng kể về sự thay đổi cấu trúc phù hợp hoặc có thể đo được khi được chiếu với liều bức xạ 24 kGy cần thiết để tiêu diệt virut và vi khuẩn, nhưng khả năng lọc bị tổn hại đáng kể.
Các kết quả tương tự cũng thu được bởi Phòng thí nghiệm hạt nhân ARC ở Pháp cho mẫu chung châu Âu. “Trong mặt nạ FFP2, bao gồm bộ lọc tĩnh điện, kết quả cho thấy rõ ràng rằng bức xạ gamma làm giảm hiệu suất lọc, ngay cả ở liều thấp hơn” Laurent Cortella, Nghiên cứu cao cấp tại Phòng thí nghiệm cho biết.
Khử trùng bằng bức xạ được sử dụng từ cuối những năm 1950 để loại bỏ các vi sinh vật, như vi khuẩn, vi rút, nấm và bào tử khỏi các thiết bị y tế. Hiện nay, gần 50% các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, như găng tay, ống tiêm và quần áo bảo hộ sử dụng một lần, được khử trùng bằng tia gamma, chùm electron hoặc tia X trước khi sử dụng.
Ở một số quốc gia, việc sử dụng bức xạ đã được mở rộng để khử trùng trước khi sử dụng các loại sản phẩm bảo vệ cộng đồng thay thế, như mặt nạ vải để bảo vệ. Tại Brazil, Viện nghiên cứu năng lượng và hạt nhân (IPEN) đang sử dụng bức xạ để khử trùng mặt nạ vải được sản xuất bởi các thợ may địa phương. “Ngay cả ở liều thấp hơn, bức xạ rất hiệu quả trong việc loại bỏ các vi sinh vật có thể đã được đưa vào trong quá trình sản xuất”, ông Pablo Vasquez, Nghiên cứu cao cấp tại IPEN cho biết, “Viện đang xử lý 50.000 mặt nạ này để phân phối trong đại dịch”.
IAEA thúc đẩy các ứng dụng bức xạ trong công nghiệp, như khử trùng thiết bị y tế và thực phẩm, giữa các quốc gia thành viên, hỗ trợ các nước thông qua đào tạo, tư vấn chuyên gia và nghiên cứu.
TTĐT, theo IAEA